Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên - Cổng thông tin điện tử Phổ biến giáo dục pháp luật

https://pbgdplthainguyen.gov.vn


Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục

Ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 34/CT-TTg về tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Theo đó, Thủ tướng nhận định:
Giáo dục quyền con người có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức xã hội, giúp ngăn ngừa, hạn chế vi phạm quyền con người. Trong thời gian qua, thực hiện Quyết định số 1309/QĐ -TTg ngày 05 tháng 9 năm 2017 của Thủ tướng  Chính phủ phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân (sau đây gọi là Đề án), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cùng với các bộ, cơ quan liên quan đã triển khai một số nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao như: tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học về nội dung và phương pháp giáo dục quyền con người; biên soạn tài liệu, giáo trình; tập huấn đội ngũ giảng viên, giáo viên để thực hiện lồng ghép nội dung quyền con người vào các chương trình giáo dục, đào tạo. Kết quả bước đầu triển khai Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức xã hội về tầm quan trọng của giáo dục quyền con người, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ, quản lý, cũng như các nhà giáo, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc tổ chức triển khai Đề án còn có hạn chế như: việc biên soạn tài liệu, giáo trình về quyền con người còn chậm; công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho đội ngũ chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên, giảng viên chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đặt ra; chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục quyền con người chưa cao; việc hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, giáo dục quyền con người còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, một số mục tiêu đặt ra của Đề án chưa đạt được, chưa phát huy hết tác động tích cực của việc triển khai Đề án.
Nguyên nhân của những hạn chế trên chủ yếu là do một số cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan tham gia Ban điều hành Đề án và cơ quan quản lý giáo dục các cấp nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của việc giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân chưa thật sự sâu sắc, chưa làm hết trách nhiệm, chưa kịp thời có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Đề án; công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chưa thường xuyên; việc bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện Đề án chưa được đầy đủ; một số cơ quan tham gia Ban Điều hành Đề án chưa chủ động phân bổ dự toán chi thường xuyên hằng năm để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.
Để tiếp tục đẩy mạnh giáo dục quyền con người phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và chỉ đạo thực hiện nghiêm Đề ánquan tâm bố trí đủ nguồn lực để triển khai đồng bộ, hiệu quả nội dung giáo dục quyền con người, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trong nước và quốc tế về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về công tác giáo dục quyền con người.
Bộ Giáo dục và Đào tạo:
+ Tổ chức rà soát chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy dùng ở các cấp học thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ để tiếp tục đề xuất triển khai các nội dung phù hợp với nhiệm vụ Đề án;
+ Tổ chức xây dựng và phê duyệt chương trình, tài liệu giảng dạy dùng cho các cơ sở giáo dục, đào tạo; chỉ đạo, hướng dẫn lồng ghép, tích hợp nội dung quyền con người vào chương trình hiện hành và trong kế hoạch đổi mới chương trình, tài liệu, học liệu, sách giáo khoa phù hợp với từng cấp học, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc các nội dung giáo dục quyền con người được quy định trong chương trình giáo dục, đào tạo;
+ Tiếp tục tổ chức chỉ đạo rà soát, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy các nội dung giáo dục quyền con người trong kế hoạch giáo dục môn học, hoạt động giáo dục của các cơ sở giáo dục, đào tạo nhất là các cơ sở giáo dục đại học thuộc khối các trường luật, hành chính, nội chính; các trường đào tạo giáo viên, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục;
+ Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các nội dung giáo dục quyền con người được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông, tiếp tục rà soát, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy các nội dung giáo dục quyền con người trong kế hoạch giáo dục môn học, hoạt động giáo dục của nhà trường;
Hằng năm, chủ trì xây dựng kế hoạch, phối hợp với các bên liên quan tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho giáo viên, giảng viên giảng dạy về quyền con người trong các cơ sở giáo dục, đào tạo, trừ các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trang thông tin phổ biến, giáo dục quyền con người trên cổng thông tin điện tử của Bộ và hướng dẫn sử dụng trong toàn ngành.

Tác giả bài viết: Lê Thuận

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây