Phòng, chống dịch Covid-19 trong và ngoài khu công nghiệp

Thứ hai - 31/05/2021 05:13 3.210 0
Thực hiện Công điện số 680/CĐ-TTg ngày 24/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ; các Thông báo của Văn phòng Chính phủ: số 120/TB-VPCP ngày 24/5/2021; số 121/TB-VPCP ngày 25/5/2021 về công tác phòng, chống dịch Covid-19; Công văn số 4261/BYT-DP ngày 25/5/2021 của Bộ Y tế về việc mở rộng đối tượng khai báo y tế điện tử phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; Công văn số 3092/BKHĐT-QLKT ngày 24/5/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.
Hiện nay, dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, ngày 26/5/2021 trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 01 ca nhiễm Covid-19 liên quan đến khu công nghiệp. Để kịp thời khống chế, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, ngày 27 tháng 5 năm 2021 UBND tỉnh có văn bản số 2381/UBND-KGVX yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung sau:
Đối với các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài khu công nghiệp:
- Toàn bộ cán bộ quản lý, nhân viên, người lao động trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải thực hiện nghiêm quy định 5K, thường xuyên khai báo y tế, lịch trình đi lại theo quy định. Cung cấp thông tin về địa chỉ nơi cư trú, tạm trú và số điện thoại liên hệ để chủ doanh nghiệp thực hiện kết nối khi cần thiết.
dich 2 JPG
Kịp thời phong tỏa 03 Công ty tại KCN Điềm Thụy - Nơi BN 5999 đến làm việc. (Trong ảnh: Phong tỏa tại Công ty TNHH Hadanbi Vina. Nguồn: thainguyen.gov.vn)
- Chủ doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh:
+ Khẩn trương rà soát, lập danh sách, lấy thông tin (số điện thoại, địa chỉ nơi cư trú, tạm trú...) các đối tượng, người lao động đến từ tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và các vùng có dịch của các tỉnh, thành phố khác (theo thông báo của Bộ Y tế) đến doanh nghiệp từ ngày 22/5/2021, kịp thời báo cáo chính quyền địa phương, Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên để đưa đi cách ly tập trung theo quy định.
+ Khi đã phát hiện trường hợp F0, khẩn trương, chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức cách ly, giãn cách theo đúng quy định (giãn cách, cách ly phân lập từng phân xưởng, từng tổ sản xuất; đeo khẩu trang tuyệt đối; phân từng cung giờ để cung cấp thức ăn, đồ dùng sinh hoạt…); hạn chế đến mức tối đa việc tiếp xúc trực tiếp giữa các cá nhân.
+ Phân loại các trường hợp F1, F2 để thực hiện cách ly, xét nghiệm phù hợp; có kế hoạch đưa từng tổ, nhóm, từng bộ phận của nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp trở lại hoạt động an toàn, sớm nhất.
+ Xây dựng phương án phòng chống dịch tại nơi làm việc, nơi sản xuất, túc xá cho người lao động trong tình hình dịch còn kéo dài theo Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời xây dựng phương án vận chuyển, lưu thông hàng hóa, nguyên liệu sản xuất giữa các vùng có dịch và các địa phương khác đảm bảo an toàn phòng chống dịch và không làm đình trệ, ách tắc hoạt động sản xuất kinh doanh.
+ Thường xuyên rà soát, cập nhật thông tin của cán bộ, nhân viên, người lao động để quản lý và kịp thời kết nối khi cần thiết. Đồng thời có trách nhiệm thông báo danh sách người lao động của đơn vị mình với UBND cấp huyện nơi doanh nghiệp đang hoạt động và chính quyền địa phương nơi người lao động cư trú để phối hợp quản lý, giám sát, truy vết khi có yêu cầu.
+ Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc khai báo y tế của cán bộ, nhân viên, người lao động trong doanh nghiệp. Không cho phép người không khai báo y tế đến làm việc.
 + Chịu trách nhiệm về việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong phạm vi quản lý; đánh giá, cập nhập lên bản đồ an toàn Covid-19. Nếu nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 phải dừng hoạt động để khắc phục, bổ sung các điều kiện đảm bảo công tác phòng chống dịch.
UBND các huyện, thành phố, thị xã:
- Tăng cường lực lượng, chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, kiểm tra, quản lý người lao động, người dân ra/vào tỉnh, nhất là từ các tỉnh đang có dịch, người nhập cảnh trái phép, người trở về từ đường mòn, lối mở vào tỉnh...; kịp thời áp dụng các biện pháp cách ly, xét nghiệm, xử lý vi phạm... theo quy định.
- Yêu cầu từng gia đình phải ký cam kết thực hiện khai báo trung thực các di biến động của từng thành viên trong gia đình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc khai báo y tế.
- Thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra việc chấp hành quy định phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, đặc biệt tại các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài khu công nghiệp trên địa bàn. Kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các bất cập, vi phạm quy định về an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
- Phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên, các ngành chức năng thống nhất quyết định áp dụng các biện pháp khoanh vùng, phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội phù hợp đối với từng khu dân cư, ký túc xá, khu nhà trọ, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh với phương châm nhanh, gọn.
- Chủ động đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”; thành lập thêm các khu cách ly tập trung để sẵn sàng ứng phó khi dịch phát sinh. Trường hợp năng lực tổ chức cách ly tập trung của cấp huyện quá tải, kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp tỉnh để xem xét, hỗ trợ.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các đơn vị, địa phương có liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát lại quy trình và các phương án cách ly tập trung trong khu công nghiệp; khẩn trương cập nhật, bổ sung hoàn thiện hướng dẫn thực hiện phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động theo Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19; xây dựng lực lượng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng lực lượng phòng, chống dịch.
- Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong khu công nghiệp. Nếu nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 phải dừng hoạt động để khắc phục, bổ sung các điều kiện đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Sở Y tế
- Căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế, thành lập “Tổ thông tin đáp ứng nhanh” để tiến hành tổng hợp cách thức ứng phó dịch Covid-19 tại các khu công nghiệp; thường xuyên kết nối với Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố để chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm về phòng, chống dịch Covid-19; chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định.
- Tiếp tục tăng cường, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, phương tiện cấp cứu, năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực, điều trị người bệnh Covid-19 tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
Sở Thông tin và Truyền thông: Chịu trách nhiệm lắp đặt camera tại các điểm đang áp dụng biện pháp cách ly, phong tỏa vùng có dịch, thiết lập đường truyền, kết nối trực tiếp với hệ thống thông tin điều hành; lập dự toán kinh phí, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Công ty Điện lực Thái Nguyên: Có phương án đảm bảo duy trì nguồn điện ổn định tại các khu cách ly tập trung, các điểm đang áp dụng biện pháp cách ly, phong tỏa để đảm bảo các điều kiện hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
 
File đính kèm

Tác giả bài viết: Nguyễn Hữu Tùng, Sở Tư pháp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Top
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây