- 13/12/2023 09:11:00 PM
- Đã xem: 279
- Phản hồi: 0
1. Đặt vấn đề
Thực hiện dân chủ ở cơ sở nói chung và ở xã, phường, thị trấn (cấp xã) nói riêng là vấn đề có ý nghĩa quan trọng luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm đặc biệt trong suốt quá trình xây dựng, đổi mới đất nước. Để nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp cơ sở, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định một trong các tiêu chí đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là thực hiện dân chủ ở cấp xã (tiêu chí 4) và chỉ tiêu công khai các thông tin (thuộc tiêu chí 2 về tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật). Quy định này xuất phát từ vị trí, vai trò của chính quyền địa phương cấp xã, không chỉ là cầu nối giữa Nhà nước, các tổ chức và cá nhân trên địa bàn cấp xã mà còn đại diện cho Nhà nước và nhân danh Nhà nước thực thi quyền lực nhà nước; trực tiếp tổ chức thực hiện các đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước tại cơ sở.
Cùng với đó, thể chế hóa kịp thời các định hướng, yêu cầu tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”,“bảo đảm quyền của công dân, để công dân được biết, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở”…, Quốc hội khoá XV (kỳ họp thứ 4 ngày 10/11/2022) đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2023, trong đó dành riêng chương II để quy định về thực hiện dân chủ ở cấp xã. Các văn bản nêu trên được ban hành và có hiệu lực thi hành vào các thời điểm khác nhau, do đó, việc triển khai thực hiện trên thực tế, nhất là các quy định mới về thực hiện dân chủ ở cấp xã theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ có những tác động đến Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg.