Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên - Cổng thông tin điện tử Phổ biến giáo dục pháp luật

https://pbgdplthainguyen.gov.vn


Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phải đảm bảo thiết thực, trúng, đúng nhu cầu của doanh nghiệp

Đây là tinh thần xuyên suốt tại hội thảo với chủ đề “Một số giải pháp tăng cường công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” diễn ra sáng ngày 23/12/2022 do Sở Tư pháp và Tổ tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tỉnh Thái Nguyên tổ chức. Tham dự hội thảo có đại diện một số sở, ngành, các đại diện của doanh nghiệp: Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh, Hội Nữ doanh nhân, Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Thái Nguyên và một số doanh nghiệp, doanh nhân.
 
PXD1
(Ông Nguyễn Hữu Sơn – Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Tổ trưởng Tổ tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho DNNVV - chủ trì hội thảo)
Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là yêu cầu cấp thiết
Theo báo cáo của Tổ tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp DNNVV, hiện nay, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt là 8.850 doanh nghiệp, trong đó DNNVV chiếm phần lớn. Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều thách thức mới, nhưng với một quyết tâm rất lớn, bằng mọi nỗ lực, nhiệt huyết cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã vượt qua khó khăn để vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua.
PXD2
(Bà Lê Thị Minh Hiếu – Trưởng Phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản QPPL, Sở Tư pháp, Thành viên Tổ tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho DNNVV tham luận tại hội thảo)
Trong nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp đều phải đối mặt với các vấn đề rủi ro về pháp lý trong quản lý, điều hành, giao dịch, sử dụng lao động,… đặc biệt với các DNNVV hầu hết không có bộ phận pháp chế, năng lực, khả năng tiếp cận pháp luật hạn chế, do đó nhu cầu về hỗ trợ pháp lý trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng là một trong những yêu cầu cấp thiết.
PXD3
Toàn cảnh hội thảo
Trong những năm qua, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện tương đối hiệu quả, thể hiện ở các khía cạnh như: hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được quan tâm xây dựng và hoàn thiện, trong đó chính sách hỗ trợ, thu hút, tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư, nhằm tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội được ưu tiên hàng đầu; công tác giới thiệu, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp được các sở, ngành thực hiện bằng nhiều hình thức, tương đối đa dạng và phong phú; hằng năm UBND tỉnh, các sở, ban, ngành đều tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nhằm kịp thời tiếp nhận các kiến nghị, giải đáp các thắc mắc, vướng mắc trong thực thi và hoàn thiện pháp luật...
Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp không thể chỉ từ một phía mà cần tạo được sự đồng thuận từ cả nhà nước và doanh nghiệp
Phát biểu tại hội thảo ông Nguyễn Hữu Sơn – Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Tổ trưởng Tổ tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho DNNVV (chủ trì hội thảo) đã nhấn mạnh “hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có vai trò quan trọng đối với cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, do đó tiếp tục đưa hoạt động này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện có sự gắn kết, đồng bộ với các hoạt động khác liên quan đến doanh nghiệp. Hoạt động này không thể chỉ từ một phía mà cần tạo được sự đồng thuận từ cả nhà nước và doanh nghiệp; nhà nước đề ra chương trình hỗ trợ, doanh nghiệp cầu thị trong thụ hưởng và có sự phối hợp khi triển khai mới đảm bảo thực hiện thành công hoạt động này”.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Bùi Sỹ Dân – Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, Giám đốc Công ty TNHH Quang Dương Thái Nguyên cho rằng “nhiều DNNVV chưa quan tâm hoặc chưa có điều kiện quan tâm đến các giải pháp pháp lý phòng ngừa rủi ro, thường chỉ tập trung cho hoạt động trực tiếp sản xuất kinh doanh mà chưa quan tâm tới hoạt động hỗ trợ pháp lý từ phía nhà nước, do đó cần thay đổi tư duy, chủ động đề nghị cũng như thụ hưởng các hoạt động hỗ trợ pháp lý từ phía các cơ quan nhà nước”. Ông Ngô Quốc Hội – Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp thành phố Thái Nguyên, Giám đốc Công ty cổ phần khoáng sản An Khánh đề xuất “một số cơ quan nhà nước thường xuyên giải quyết các vấn đề liên quan đến sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nên tham gia hoạt động của các hiệp hội, nhất là tham gia Ban chấp hành của hiệp hội để sát cánh cùng các doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động”.
PXD4
ông Bùi Sỹ Dân – Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV
Cần có nhiều giải pháp hỗ trợ pháp lý thiết thực, trúng, đúng nhu cầu của doanh nghiệp
Nhìn nhận về vấn đề này, hội thảo cũng thẳng thắn chỉ ra: hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, chưa có giải pháp hiệu quả triển khai thực hiện, đa phần vẫn đang loay hoay tìm giải pháp, phương án thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý trong khả năng, nguồn lực sẵn có, chưa có giải pháp căn cơ, có chiều sâu, có sự kết nối với các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khác.
Bà Hà Thị Tuyết - Ủy viên Ban chấp hành, Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Giám đốc Công ty Luật dịch vụ pháp lý 4.0 cho rằng “hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phải được lựa chọn, đánh giá cẩn trọng trước khi triển khai thực hiện, đảm bảo thiết thực, trúng, đúng nhu cầu của doanh nghiệp; trong đó ưu tiên việc tham khảo áp dụng các mô hình, điển hình trong hoạt động hỗ trợ pháp lý để triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; tổ chức nhiều hơn các diễn đàn (talkshow) chuyên đề; xây dựng các nhóm chuyên gia chuyên biệt từng lĩnh vực để hỗ trợ, tư vấn chuyên sâu cho doanh nghiệp”.
PXD5
Bà Hà Thị Tuyết - Ủy viên Ban chấp hành, Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Giám đốc Công ty Luật dịch vụ pháp lý 4.0 phát biểu tại hội thảo
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về vấn đề chuyển đổi số trong hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng, khai thác các nền tảng công nghệ thông tin sẵn có để phục vụ tích cực cho hoạt động này, tạo sự lan tỏa lớn trong toàn xã hội.
Qua hội thảo, các hiệp hội của doanh nghiệp đánh giá cao vai trò tham mưu triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Sở Tư pháp, nhất là việc tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Tổ tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp DNNVV; mong muốn Sở Tư pháp cũng như Tổ tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp DNNVV tiếp tục tổ chức, phối hợp với các hiệp hội tổ chức các chương trình hỗ trợ pháp lý thiết thực, hiệu quả, đảm bảo thực hiện thành công  Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025./.
 

Tác giả bài viết: Đàm Huân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây