Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên - Cổng thông tin điện tử Phổ biến giáo dục pháp luậthttps://pbgdplthainguyen.gov.vn/uploads/botuphap.png
Thứ năm - 19/10/2023 06:141.0670
Hòa giải ở cơ sở cơ bản được hiểu là bàn luận, phân tích, làm rõ nội dung vấn đề nào đó mà bản thân những người trong cuộc phát sinh mâu thuẫn không giải quyết được phải có người trung gian hòa giải trên cơ sở thể hiện ý chí, nguyện vọng và thỏa thuận quyền định đoạt của các bên. Nó mang tính tự nguyện, tự quản xã hội, chính vì vậy mà nó có những ưu điểm nhất định như giải quyết kịp thời ngay từ đầu các mâu thuẫn, tranh chấp; dễ tạo sự thông cảm giữa các bên; lực lượng tham gia hòa giải là những người cùng thôn xóm, có mối quan hệ gần gũi, quen biết có tầm ảnh hưởng, uy tín nhất định với đôi bên; nếu công tác hòa giải ở cơ sở được thực hiện tốt sẽ góp phần hạn chế các vụ, việc khiếu kiện vượt cấp, tiết kiệm thời gian, tiền bạc của nhân dân và Nhà nước
Hòa giải ở cơ sở cơ bản được hiểu là bàn luận, phân tích, làm rõ nội dung vấn đề nào đó mà bản thân những người trong cuộc phát sinh mâu thuẫn không giải quyết được phải có người trung gian hòa giải trên cơ sở thể hiện ý chí, nguyện vọng và thỏa thuận quyền định đoạt của các bên. Nó mang tính tự nguyện, tự quản xã hội, chính vì vậy mà nó có những ưu điểm nhất định như giải quyết kịp thời ngay từ đầu các mâu thuẫn, tranh chấp; dễ tạo sự thông cảm giữa các bên; lực lượng tham gia hòa giải là những người cùng thôn xóm, có mối quan hệ gần gũi, quen biết có tầm ảnh hưởng, uy tín nhất định với đôi bên; nếu công tác hòa giải ở cơ sở được thực hiện tốt sẽ góp phần hạn chế các vụ, việc khiếu kiện vượt cấp, tiết kiệm thời gian, tiền bạc của nhân dân và Nhà nước
Đến với xóm Bản Mới, xã Kim Phượng, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên chúng tôi được gặp gỡ và được tìm hiểu về một mô hình “Tổ hòa giải điểm” tại xóm Bản Mới, xã Kim Phượng - Mô hình của Tổ hòa giải ở cơ sở hoạt động có hiệu quả, được sự đón nhận, đánh giá cao của các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trên địa bàn. Năm 2018 dưới sự định hướng của Phòng Tư pháp trong việc củng cố, tăng cường, nâng cao công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở. UBND xã Kim Phượng đã tổ chức nghiên cứu lựa chọn mô hình phù hợp, ban hành Kế hoạch số 05/KH-UBND ngày 30/01/2018 về triển khai, thực hiện mô hình “Tổ hòa giải điểm” trong hoạt động nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở tại xóm Bản Mới, xã Kim Phượng. Sau 06 năm hoạt động mô hình đã chứng minh được sự hiệu quả thể hiện qua việc tổ chức, thực hiện bài bản theo đúng nội dung xác định trong kế hoạch cũng như chất lượng hòa giải các vụ việc ngày một cao, tình trạng mâu thuẫn, tranh chấp sau hòa giải đã được hóa giải, không còn tình trạng tái tranh chấp xảy ra, góp phần rất lớn trong việc giảm thiểu đơn, thư lên chính quyền các cấp. “Tổ hòa giải điểm” xóm Bản Mới, xã Kim Phượng được công nhận năm 2018 gồm có 07 thành viên và được kiện toàn khi có sự thay đổi về nhân sự. Trong 06 năm hoạt động Tổ được kiện toàn hai lần vào các năm 2020, năm 2022 và ổn định thành viên từ đó đến nay. Ưu điểm nổi bật của mô hình “Tổ hòa giải điểm” là: linh hoạt về thủ tục; gần gũi, thân mật trong giao tiếp, ứng xử; thành phần tổ hòa giải gồm những người hiểu biết pháp luật, có uy tín, trách nhiệm, nhiệt tình trong cộng đồng dân cư (bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng các ngành, đoàn thể, thanh tra nhân dân…) Từ những ưu điểm đó, mô hình “Tổ hòa giải điểm” dễ bám sát cuộc sống người dân ở địa bàn và nhờ đó nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp được hòa giải kịp thời. Hầu hết những vụ việc mâu thuẫn chưa đến mức xử lý hình sự, hành chính trên địa bàn dân cư được các Tổ hòa giải phát hiện kịp thời và tập trung giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở.
Từ khi thanh lập mô hình “Tổ hòa giải điểm” các hòa giải viên chú trọng phát huy vai trò của từng cá nhân gắn với mỗi khu vực sinh sống trong việc chủ động nắm bắt tình hình trước khi tổ hòa giải tiến hành hòa giải giúp cho các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư xóm Bản Mới được thực hiện hòa giải nhanh chóng; có nhiều vụ việc tranh chấp về đất đai có dấu hiệu phức tạp, các bên tranh chấp có dấu hiệu không tìm được tiếng nói chung để đi đến hòa giải thành... cũng đã được tổ hòa giải xác định được và kịp thời đề nghị UBND xã cử công chức chuyên môn xuống tham gia, hỗ trợ cho Tổ thực hiện hòa giải. Bằng những cách làm chủ động, tích cực đó, từ năm 2018 đến nay “Tổ hòa giải điểm” xóm Bản Mới, xã Kim Phượng đã tiến hành hòa giải 15 vụ việc trong phạm vi thẩm quyền, tỷ lệ hòa giải thành đạt 100%, trong đó đa phần là các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật xảy ra là các vụ việc dân sự, hôn nhân, đất đai... Ông Hoàng Văn Kim - Tổ trưởng “Tổ hòa giải điểm” xóm Bản Mới cho biết: “Tôi được bà con nhân dân xóm Bản mới tin tưởng, tín nhiệm và bầu làm hòa giải viên, đồng thời được các thành viên Tổ hòa giải lựa chọn bầu làm Tổ trưởng Tổ hòa giải từ năm 2018, đó cũng là năm đầu tiên UBND xã Kim Phượng lựa chọn Tổ hòa giải xóm Bản Mới chúng tôi là “Tổ hòa giải điểm”. Bản thân tôi rất vinh dự, tự hào và càng quyết tâm hơn trong việc xây dựng, tổ chức cho “Tổ hòa giải điểm” hoạt động có hiệu quả để không phụ sự lựa chọn của bà con Nhân dân cũng như sự tin tưởng giao nhiệm vụ của cấp chính quyền địa phương. Xóm Bản Mới chúng tôi được sát nhập từ 02 xóm là xóm Bản Mới cũ và xóm Bản Đa, với việc gia tăng về địa bàn, dân cư, số lượng vụ việc... trong khi nhân sự của Tổ hòa giải không tăng, mặc dù gây ra một số khó khăn nhất định song Tổ hòa giải của chúng tôi với quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao cũng như nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của đội ngũ cán bộ công chức UBND xã Kim Phượng chúng tôi đã thực hiện hoàn thành nhiệm vụ hòa giải ở cơ sở, hàng năm tỷ lệ các vụ việc hòa giải thành đều đạt 100%. Với việc hòa giải thành các vụ việc không chỉ góp phần cho việc hóa giải những mâu thuẫn, xích mích, củng cố tình thân, tình đoàn kết giữa anh em, dòng tộc, xóm giềng mà còn một điểm quan trọng nữa là giúp cho cộng đồng dân cư nơi tôi sinh sống thêm am hiểu hơn về các quy định của pháp luật, từ đó nghiêm chỉnh chấp hành đúng các quy định góp phần rất lớn giữ gìn an ninh, trật tự trong xóm”. “Tổ hòa giải điểm” xóm Bản Mới, xã Kim Phượng sau 6 năm hoạt động đã thực sự chứng minh được hiệu quả của mô hình. Ông Trương Anh Tú - Chủ tịch UBND xã Kim Phượng cho biết “Xóm Bản Mới, xã Kim Phương gồm có 154 hộ với 604 nhân khẩu được sát nhập từ hai xóm là một địa bàn tương đối rộng và đông dân cư của xã. Để góp phần ổn định về quản lý và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từ năm 2018 UBND xã Kim Phượng đã triển khai thực hiện mô hình “Tổ hòa giải điểm”, qua các năm cho thấy là một mô hình hoạt động có hiệu quả và có ý nghĩa rất lớn không chỉ với công tác hòa giải ở cơ sở mà còn góp phần rất lớn cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở xóm nói riêng và trên địa bàn xã nói chung. Từ khi triển khai thực hiện mô hình, địa phương cử công chức Tư pháp - Hộ tịch làm đầu mối thường xuyên giữ mối liên hệ với các thành viên trong Tổ, kịp thời hỗ trợ kiến thức pháp luật, nghiệp vụ chuyên ngành khi có những vụ việc khó Tổ cần hỗ trợ. Bên cạnh đó, để kịp thời củng cố nghiệp vụ cũng như kiến thức pháp luật, hàng năm UBND xã phối hợp với Phòng Tư pháp tổ chức các lớp hội nghị tập huấn nghiệp vụ, cung cấp kiến thức pháp luật cho các Tổ hòa giải trên địa bàn. Đồng thời nhằm động viên, khuyến khích hoạt động của “Tổ hòa giải điểm” và các Tổ hòa giải, địa phương luôn dành một khoản kinh phí hỗ trợ thù lao theo vụ việc cho các Tổ hòa giải khi thực hiện hòa giải thành; thực hiện cung cấp Sổ theo dõi hoạt động hòa giải; văn phòng phẩm; tài liệu... đầy đủ, đúng quy định. Với việc xây dựng thành công mô hình “Tổ hòa giải điểm” xóm Bản Mới, trong thời gian tới UBND xã Kim Phượng sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình đối với các Tổ hòa giải ở các thôn, xóm còn lại trên địa bàn xã để kịp thời hòa giải những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư và coi công tác hòa giải ở cơ sở là một trong những hình thức phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả góp phần giữ gìn an ninh, trật tự của địa phương”.
Xác định nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở là một nhiệm vụ trọng tâm cần đẩy mạnh thực hiện trong đó có sự ghi nhận hoạt động hiệu quả của các “Tổ hòa giải điểm” trên địa bàn huyện. Ông Ma Công Trình - Trưởng phòng Tư pháp huyện Định Hóa cho biết ““Tổ hòa giải điểm” được thành lập và hoạt động từ năm 2018 cũng là năm đầu tiên trên địa bàn huyện thực hiện nội dung đánh giá “cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật”. Sau 06 năm Tổ hòa giải điểm hoạt động đã chứng minh được hiệu quả hoạt động của mô hình, các vụ việc tranh chấp ở Tổ hòa giải đều được hòa giải nhanh chóng, không có vụ việc hòa giải không thành. Đây là sự nỗ lực cũng như tinh thần nhiệt huyết, tự nguyện của Tổ hòa giải. Đó thực sự là một trong những mô hình xứng đáng được biểu dương, khen ngợi. Năm 2023, xã Kim Phượng là đơn vị đăng ký về đích nông thôn mới nâng cao, với việc đã xây dựng thành công mô hình ““Tổ hòa giải điểm” đã giúp cho xã Kim Phượng đủ điều kiện xây dựng hồ sơ tiêu chí 16.1 đạt. Trong thời gian tới, Phòng Tư pháp với chức năng là cơ quan tham mưu cho UBND huyện thực hiện quản lý nhà nước về công tác phổ biến giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật sẽ chỉ đạo các địa phương học tập và nhân rộng mô hình ““Tổ hòa giải điểm” của xóm Bản Mới, xã Kim Phượng”. Từ thực tế trên cho thấy, việc triển khai, nhân rộng mô hình ““Tổ hòa giải điểm” rất cần được quan tâm đúng mức, qua đó tạo sự đồng đều, bền vững cho hoạt động hòa giải ở cơ sở, động viên đội ngũ hòa giải viên tích cực, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, hóa giải những vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh ngay tại cơ sở, hạn chế khiếu kiện, đơn thư vượt cấp, thúc đẩy hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật, giữ vững sự ổn định về an ninh trật tự, giữ gìn sự đoàn kết và tình làng, nghĩa xóm ở mỗi cộng đồng dân cư./.
Tác giả bài viết: Ma Thị Nhung - Phòng Tư pháp Định Hóa