Chứng thực Giấy ủy quyền

Thứ ba - 19/12/2023 22:22 114 0
Theo quy định của pháp luật hiện hành không có quy định như thế nào là Giấy ủy quyền, Giấy uỷ quyền chỉ được thừa nhận trong thực tế, và được hiểu là một hình thức đại diện theo ủy quyền mà người ủy quyền bằng hành vi đơn phương của mình thực hiện mà không cần sự đồng ý của người được ủy quyền. Và theo quy định tại Luật Công chứng năm 2014 thì không có thủ tục chứng thực giấy ủy quyền. Do vậy, giấy ủy quyền không phải chứng thực.
Tuy nhiên, tại điểm d Khoản 4 Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về các trường hợp chứng thực chữ ký có đề cập đến giấy ủy quyền như sau:
“Chứng thực chữ ký trong giấy ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản.”
Như vậy, việc ủy quyền thỏa mãn đầy đủ các điều kiện như không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản thì được thực hiện dưới hình thức chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền với 04 trường hợp sau:
- Ủy quyền về việc nộp hộ, nhận hộ hồ sơ, giấy tờ, trừ trường hợp pháp luật quy định không được ủy quyền;
- Ủy quyền nhận hộ lương hưu, bưu phẩm, trợ cấp, phụ cấp;
- Ủy quyền nhờ trông nom nhà cửa;
- Ủy quyền của thành viên hộ gia đình để vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội.
Đối với việc ủy quyền không thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì không được yêu cầu chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền; người yêu cầu chứng thực phải thực hiện các thủ tục theo quy định về chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Việc thực hiện chứng thực chữ ký thì bên ủy quyền cần chuẩn bị những giấy tờ như sau:
- Giấy tờ tùy thân: Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân/hộ chiếu còn hạn
- Giấy tờ về quan hệ hôn nhân nếu bên ủy quyền là hai vợ chồng, người đã ly hôn
- Giấy tờ về nội dung ủy quyền: Sổ hưu, trợ cấp, phụ cấp
Ngoài những giấy tờ trên thì bên ủy quyền cũng phải chuẩn bị giấy tờ tùy thân của bên nhận ủy quyền.
Đối với nơi chứng thực chữ ký giấy ủy quyền thì tại Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về nơi chứng thực chữ ký cụ thể như sau:
- Phòng Tư pháp cấp huyện
- Ủy ban nhân dân cấp xã
- Cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự và cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài
- Công chứng viên của Phòng/Văn phòng công chứng
Có thể thực hiện chứng thực chữ ký giấy ủy quyền tại bất cứ địa phương nào không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu nếu nội dung ủy quyền liên quan đến động sản.

Tác giả bài viết: Phòng PBGDPL

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Top
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây