Nội dung cơ bản về chế độ báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo quy định

Thứ tư - 06/12/2023 23:28 127 0
Ngày 23/11/2023 Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị trao đổi các nội dung liên quan đến chế độ báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Trước đây nội dung này được thực hiện theo thông tư 16/2018/TT-BTP ngày 14/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chế độ báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020; Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính được Chính phủ ban hành ngày 23/12/2021 (Nghị định số 118/2021/NĐ-CP). Theo đó, một số nội dung liên quan đến chế độ báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã có sự thay đổi.
Ngoài ra, ngày 21/6/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Thông tư số 04/2021/TT-BTP hướng dẫn thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 5/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP. Theo đó, Thông tư này bãi bỏ khoản 2 Điều 2, khoản 2 Điều 3, khoản 2 Điều 5 Thông tư số 16/2018/TT-BTP ngày 14/12/ 2018 quy định chế độ báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Thông tư số 16/2018/TT-BTP). Do vậy, Thông tư số 16/2018/TT-BTP chỉ còn các nội dung liên quan đến chế độ báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, các nội dung liên quan đến chế độ báo cáo trong quản lý công tác theo dõi thi hành pháp luật hết hiệu lực thi hành, kể từ thời điểm Thông tư số 04/2021/TT-BTP có hiệu lực thi hành.
Vì vậy Thông tư số 01/2023/TT-BTP quy định chế độ báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành ngày 16 tháng 01 năm 2023 (sau đây gọi là Thông tư số 01/2023/TT-BTP), thay thế các nội dung liên quan đến chế độ báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại Thông tư số 16/2018/TT-BTP ngày 14 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chế độ báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật (Thông tư này bãi bỏ Điều 1, khoản 1 Điều 2, khoản 1 Điều 3, Điều 4, khoản 1 Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 Thông tư số 16/2018/TT-BTP). Nội dung cơ bản của Thông tư được quy định cụ thể như sau:
1. Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
Về phạm vi điều chỉnh, Thông tư này quy định chi tiết về chế độ báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, bao gồm: trách nhiệm báo cáo; kỳ báo cáo, thời gian chốt số liệu và thời hạn gửi báo cáo; hình thức và phương thức gửi báo cáo; mẫu đề cương báo cáo và các biểu mẫu sử dụng để tổng hợp số liệu kèm theo báo cáo và việc chỉnh lý, bổ sung nội dung, số liệu trong báo cáo.
Chế độ báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được áp dụng đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ; Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Toà án nhân dân tối cao; Kiểm toán Nhà nước; Ủy ban nhân dân các cấp; các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc, gồm: Toà án nhân dân; Kiểm toán Nhà nước; Công an nhân dân; Bộ đội biên phòng; Cảnh sát biển; Hải quan; Kiểm ngư; Thuế; Quản lý thị trường; Cơ quan thi hành án dân sự; Kho bạc Nhà nước; Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước; tổ chức Thống kê tập trung; cơ quan Bảo hiểm xã hội và các tổ chức khác thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc theo quy định của pháp luật.
2. Về trách nhiệm báo cáo
Thông tư quy định cơ quan lập báo cáo có trách nhiệm báo cáo đầy đủ, trung thực, chính xác các nội dung trong mẫu đề cương báo cáo và các biểu mẫu số liệu báo cáo quy định tại Điều 5 và bảo đảm thời gian chốt số liệu, thời hạn gửi báo cáo theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 3 Thông tư này.
Để tránh sự trùng lặp số liệu báo cáo của các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn địa phương, Điều 2 của Thông tư quy định:
- Các tổ chức thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổng hợp đầy đủ, trung thực, chính xác các nội dung trong mẫu đề cương báo cáo và các biểu mẫu số liệu báo cáo quy định tại Điều 5 Thông tư này và gửi đến cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp để tổng hợp, báo cáo Bộ Tư pháp, đồng thời gửi Ủy ban nhân dân cùng cấp nơi tổ chức đóng trụ sở biết.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp không tổng hợp số liệu báo cáo của các tổ chức thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn vào báo cáo gửi đến cơ quan nhận báo cáo.
3. Về chế độ báo cáo, thời gian chốt số liệu báo cáo định kỳ và thời hạn gửi báo cáo định kỳ.
Điều 3 Thông tư quy định về chế độ báo cáo, thời gian chốt số liệu báo cáo định kỳ và thời hạn gửi báo cáo định kỳ.
-  Về chế độ báo cáo: Báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính bao gồm: (i) Báo cáo định kỳ; (ii) Báo cáo chuyên đề và (iii) Báo cáo đột xuất.
- Thời gian chốt số liệu báo cáo định kỳ, thời hạn gửi báo cáo định kỳ: Thời gian chốt số liệu báo cáo và thời hạn gửi báo cáo về Bộ Tư pháp được thực hiện theo quy định của Chính phủ về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước (Nghị định số 09/2019/NĐ-CP). Đồng thời, Thông tư quy định cụ thể thời hạn gửi báo cáo của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp về Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như thời hạn gửi báo cáo của Bộ Tư pháp đến Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể như sau:
- Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo yêu cầu của cấp trên trực tiếp;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm gửi báo cáo đến Bộ Tư pháp chậm nhất vào ngày 21 tháng 12 của kỳ báo cáo;
- Bộ Tư pháp có trách nhiệm báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi cả nước chậm nhất vào ngày 25 tháng 12 của kỳ báo cáo.
4. Về hình thức báo cáo và phương thức gửi, nhận báo cáo
Điều 4 Thông tư quy định cụ thể về hình thức báo cáo và phương thức gửi, nhận báo cáo, theo đó:
- Về hình thức báo cáo: Thông tư quy định đa dạng hình thức báo cáo. Cùng với việc sử dụng hình thức báo cáo truyền thống bằng văn bản giấy, Thông tư còn quy định sử dụng hình thức báo cáo bằng văn bản điện tử có chữ ký số để phù hợp với chủ trương sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử của cơ quan nhà nước.
- Về phương thức gửi, nhận báo cáo: Để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan lập báo cáo, Thông tư quy định tương đối đa dạng và linh hoạt các phương thức gửi báo cáo đến cơ quan nhận báo cáo, phù hợp với điều kiện thực tế về các loại hình dịch vụ và phương thức giao nhận giấy tờ, tài liệu. Theo đó, khoản 2 Điều 4 Thông tư quy định 05 phương thức gửi, nhận báo cáo, cụ thể là: (1) Gửi trực tiếp; (2) Gửi qua dịch vụ bưu chính; (3) Gửi qua fax; (4) Gửi qua hệ thống thư điện tử dưới dạng tệp ảnh (định dạng PDF) hoặc văn bản điện tử có ký số; (5) Gửi qua Hệ thống văn bản và Điều hành; (6) Phương thức khác theo quy định của pháp luật.
5. Về mẫu đề cương báo cáo và mẫu số liệu báo cáo
Nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đơn giản hóa các mẫu, Điều 5 Thông tư quy định về mẫu đề cương báo cáo và các mẫu sử dụng để tổng hợp số liệu kèm theo báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo hướng lược bỏ những chỉ tiêu báo cáo trùng lặp, không cần thiết, rút gọn tối đa các thông tin trong mẫu đề cương báo cáo và các mẫu tổng hợp số liệu báo cáo, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật, giảm bớt gánh nặng hành chính cho cơ quan lập báo cáo.
6. Về việc chỉnh lý, bổ sung báo cáo
Điều 6 Thông tư quy định về việc chỉnh lý, bổ sung báo cáo trong trường hợp có sai sót. Theo đó, trường hợp phải chỉnh lý, bổ sung nội dung, số liệu trong báo cáo, cơ quan lập báo cáo có trách nhiệm gửi báo cáo đã được chỉnh lý, bổ sung, kèm theo văn bản giải trình rõ về việc chỉnh lý, bổ sung và phải có chữ ký xác nhận, đóng dấu.
Trường hợp báo cáo bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung, số liệu trong báo cáo và các biểu mẫu số liệu kèm theo thì báo cáo, biểu mẫu đó không có giá trị báo cáo.
7. Về hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành
Điều 7 Thông tư quy định về hiệu lực thi hành của Thông tư này; đồng thời quy định Thông tư này thay thế Thông tư số 16/2018/TT-BTP .
Về trách nhiệm thi hành, Điều 8 Thông tư quy định các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Toà án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi thẩm quyền quản lý nhà nước của mình chịu trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trực thuộc xây dựng báo cáo, kịp thời tổng hợp để gửi Bộ Tư pháp theo đúng nội dung, thời hạn quy định tại Thông tư này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc có vấn đề phát sinh, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Tư pháp (qua Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật) để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
 

Tác giả bài viết: Lương Hữu Phước - Phó Giám đốc Sở Tư pháp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn biết tới Cổng thông tin PBGDPL Thái Nguyên qua đâu ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập86
  • Hôm nay12,672
  • Tháng hiện tại564,838
  • Tổng lượt truy cập10,696,982
Top
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây