Ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2024

Thứ ba - 27/02/2024 21:38 175 0
Ngày 22/02/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 192/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2024.
Theo đó, mục đích và yêu cầu của Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2024 được quy định như sau:
(i) Mục đích:
- Thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Chính phủ và các cơ quan liên quan được Quốc hội giao tại Điều 3 Nghị quyết 105/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 được thông qua ngày 09/11/2023 tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
- Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các quy định của Nghị định 59/2012/NĐ-CP.
- Xem xét, đánh giá khách quan thực trạng thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành trên phạm vi cả nước để kịp thời phát hiện những tồn tại, vướng mắc, bất cập và đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
 (ii) Yêu cầu:
- Thực hiện đầy đủ nguyên tắc, phạm vi trách nhiệm, nội dung và hình thức theo dõi thi hành pháp luật được quy định tại Nghị định 59/2012/NĐ-CP.
- Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quá trình tổ chức theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
- Xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện công việc được giao.
- Bảo đảm sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan; huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, cá nhân trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Nội dung Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2024
(i) Lĩnh vực, phạm vi, đối tượng theo dõi tình hình thi hành pháp luật
- Theo dõi tình hình thi hành pháp luật về an toàn thực phẩm:
+ Phạm vi theo dõi: Việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
+ Thời gian theo dõi: Từ năm 2019 đến hết năm 2023.
+ Đối tượng theo dõi: Các bộ, ngành liên quan và địa phương trên phạm vi cả nước.
- Theo dõi tình hình thi hành pháp luật về quản lý thuế:
+ Phạm vi theo dõi: Việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.
+ Thời gian theo dõi: Từ năm 2019 đến hết năm 2023.
+ Đối tượng theo dõi: Các bộ, ngành liên quan và địa phương trên phạm vi cả nước.
- Theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm:
+ Phạm vi theo dõi: Việc thi hành Lut Xut bn 2012.
+ Thời gian theo dõi: Từ năm 2019 đến hết năm 2023.
+ Đối tượng theo dõi: Các bộ, ngành liên quan và địa phương trên phạm vi cả nước.
(ii) Các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật
- Ban hành kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành:
+ Cơ quan thực hiện: Các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
+ Thời gian thực hiện: Tháng 01/2024.
+ Kinh phí thực hiện: Kinh phí theo dõi tình hình thi hành pháp luật của bộ, ngành, địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
- Xây dựng danh mục các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành:
+ Cơ quan thực hiện:
++ Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, xây dựng danh mục văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2024 do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương ban hành;
++ UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, xây dựng danh mục văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2024 do chính quyền địa phương ban hành.
+ Thời gian thực hiện: Quý I/2024.
+ Kinh phí thực hiện: Kinh phí theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
- Kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành:
+ Cơ quan thực hiện:
++ Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp.
++ Cơ quan phối hợp: Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành, địa phương liên quan.
++ Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập Đoàn công tác liên ngành do Lãnh đạo Bộ Tư pháp làm Trưởng Đoàn, thành viên là đại diện các bộ, ngành có chức năng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực theo dõi trọng tâm, liên ngành năm 2024.
+ Địa điểm kiểm tra, điều tra, khảo sát: Dự kiến tại các địa phương: Tỉnh Bắc Kạn, tỉnh Cao Bằng, Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Hải Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh Thái Bình và một số bộ, ngành, địa phương khác.
Việc kiểm tra, điều tra, khảo sát đột xuất sẽ được tiến hành theo thẩm quyền, trình tự thủ tục quy định căn cứ vào vụ việc cụ thể.
+ Thời gian kiểm tra: Quý II, III, IV/2024.
+ Kinh phí thực hiện: Kinh phí theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp.
- Tổ chức Hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học đối với các lĩnh vực theo dõi tình hình thi hành pháp luật; hội nghị xử lý kết quả kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật:
+ Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan.
+ Thời gian tổ chức: Quý II, III, IV/2024.
+ Kinh phí thực hiện: Kinh phí theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp.

Tác giả bài viết: Phòng PBGDPL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Top
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây